Top 5 các câu hỏi phỏng vấn thường gặp
Bạn đang lo lắng về buổi phỏng vấn sắp tới? Đừng lo lắng! Bỏ túi ngay 5 các câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất giúp bạn tự tin chinh phục nhà tuyển dụng, tăng cơ hội trúng tuyển vào công việc mơ ước.
1. Giới thiệu về bản thân
Phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn chính là “màn chào sân” đầu tiên trong các câu hỏi phỏng vấn, mở ra cánh cửa cơ hội giúp ứng viên lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng.
Thông qua câu hỏi phỏng vấn giới thiệu về bản thân, nhà tuyển dụng không chỉ muốn hiểu rõ hơn các thông tin về kinh nghiệm, kỹ năng của ứng viên mà còn muốn đánh giá sự phù hợp và những đóng góp mà ứng viên có thể mang lại cho công ty. Việc truyền tải một cách rõ ràng và thuyết phục về bản thân sẽ giúp ứng viên ghi điểm và tăng khả năng được lựa chọn.
Để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, ứng viên cần đảm bảo phần giới thiệu bản thân ngắn gọn, súc tích, trôi chảy, đảm bảo các nội dung sau:
Chào hỏi và cảm ơn nhà tuyển dụng đã tạo cơ hội trao đổi trong buổi phỏng vấn.
Giới thiệu ngắn gọn: Tên, ngành học, trường đại học (hoặc vị trí đang phụ trách)
Tóm tắt kinh nghiệm và kỹ năng nổi bật: Chia sẻ về kinh nghiệm làm việc, thực tập, hoặc các dự án nổi bật có liên quan đến vị trí ứng tuyển.
Mục tiêu nghề nghiệp (ngắn hạn và dài hạn).
Lý do ứng tuyển và giá trị có thể đóng góp cho công ty.
Ví dụ: Cảm ơn Quý công ty đã cho tôi cơ hội tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay, tôi tên là [...], tốt nghiệp tại trường Đại học [Tên trường]. Tôi đã có [...] năm kinh nghiệm với vị trí [...] tại công ty X. Tại đây, tôi đã có cơ hội làm việc trong các dự án [Tên dự án] và đóng góp vào sự tăng trưởng [...] của công ty. Tôi rất quan tâm đến vị trí [...] và nhận thấy rằng những yêu cầu của công ty hoàn toàn phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của tôi. Trong tương lai gần, tôi mong muốn có cơ hội hợp tác và đóng góp vào sự phát triển của công ty [...].
>>> Xem thêm: Giới thiệu bản thân khi phỏng vấn - Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng
2. Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?
Một trong các câu hỏi phỏng vấn thường gặp là điểm mạnh và điểm yếu của ứng viên. Nhà tuyển dụng không chỉ muốn hiểu rõ hơn về năng lực mà còn đánh giá khả năng tự nhận thức, tinh thần học hỏi và phát triển của ứng viên và sự phù hợp với công việc.
Về điểm mạnh, ứng viên nên tập trung vào 2-3 điểm mạnh nổi bật nhất, liên quan trực tiếp đến những kỹ năng, kinh nghiệm, yêu cầu của công việc để thể hiện bạn là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí ứng tuyển. Thay vì nói chung chung, hãy chia sẻ ngắn gọn những câu chuyện thực tế và thành tựu cụ thể để minh họa cho từng điểm mạnh.
Ví dụ: “Điểm mạnh của tôi là tư duy phân tích và khả năng giải quyết vấn đề. Trong dự án phát triển sản phẩm mới tại công ty cũ, tôi đã sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu như như SQL, Excel và Tableau để xác định những vấn đề chính mà khách hàng đang gặp phải và đưa ra những giải pháp hiệu quả. Nhờ đó, chúng tôi đã giảm thiểu chi phí sản xuất xuống 15% và tăng doanh thu sản phẩm mới lên 30% trong vòng 6 tháng đầu ra mắt”.
Về điểm yếu, ứng viên nên thừa nhận điểm yếu của mình một cách thẳng thắn và đưa ra những giải pháp, cách thức bản thân đã cố gắng để khắc phục điểm yếu đó và tránh gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Ví dụ: “Tôi nhận thấy đôi khi tôi có xu hướng tập trung vào chi tiết quá mức, dẫn đến việc trì hoãn công việc. Để khắc phục điều này, tôi đã bắt đầu áp dụng phương pháp quản lý thời gian hiệu quả và ưu tiên xử lý những công việc quan trọng trước. Tôi tin rằng việc liên tục học hỏi và cải thiện bản thân sẽ giúp tôi trở thành một nhân viên hoàn thiện hơn.”
3. Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?
“Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?” là một trong các câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất. Khi đó, nhà tuyển dụng muốn biết ứng viên có phải là người thường xuyên thay đổi công việc hay không, liệu có bất kỳ vấn đề nào tiềm ẩn nào liên quan đến việc ứng viên rời khỏi công ty cũ, chẳng hạn như xung đột với đồng nghiệp, sếp hoặc vấn đề về văn hóa công ty. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng quan tâm đến những gì đã thúc đẩy ứng viên đưa ra quyết định rời khỏi công ty cũ và đánh giá khả năng thích nghi, sự phù hợp văn hóa, xem xét những mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên có phù hợp với định hướng phát triển của công ty mới hay không.
Chính vì vậy, để chuẩn bị tốt cho câu hỏi phỏng vấn này, ứng viên tập trung vào những cơ hội phát triển đang tìm kiếm tại công ty mới thay vì tập trung vào những hạn chế của công ty cũ. Điều này không chỉ thể hiện sự tích cực và chuyên nghiệp của ứng viên mà còn giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về động lực và mục tiêu nghề nghiệp của bạn.
Ví dụ: “Trong thời gian làm việc tại công ty cũ, tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm và tôi thực sự trân trọng những cơ hội mà công ty đã mang lại. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi nhận thấy rằng mình muốn tìm kiếm những thử thách mới và cơ hội để phát triển chuyên môn sâu hơn trong lĩnh vực [...].
Khi tìm hiểu về công ty [...], tôi rất ấn tượng với [...]. Tôi tin rằng vị trí [tên vị trí] sẽ là một bước đệm quan trọng giúp tôi đạt được mục tiêu trở thành một [...]. Tôi rất hào hứng với cơ hội được đóng góp vào sự thành công chung của công ty."
>>> Xem thêm: 5 chiến thuật giúp giải tỏa tâm lý "sợ phỏng vấn"
4. Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?
Khi đặt câu hỏi phỏng vấn “Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?", nhà tuyển dụng muốn đánh giá sự quan tâm của ứng viên về công ty và vị trí ứng tuyển, khả năng giao tiếp, tư duy cũng như những kỳ vọng của ứng viên đối với vị trí.
Chính vì vậy, trước khi đến với buổi phỏng vấn, ứng viên nên chuẩn bị danh sách các câu hỏi liên quan đến công việc, văn hóa công ty, cơ hội phát triển, quy trình làm việc, báo cáo công việc hoặc bất kỳ điều gì muốn tìm hiểu thêm. Đặc biệt, đặt câu hỏi một cách rõ ràng và ngắn gọn, tránh lặp lại các thông tin đã được trao đổi trong buổi phỏng vấn.
Ví dụ: "Bên cạnh việc trao đổi, làm việc trực tiếp với các thành viên trong team Marketing, anh/chị có thể chia sẻ thêm về quy trình tiếp nhận thông tin về sản phẩm từ team Product và những phản hồi của khách hàng từ team Sales không?"
5. Bạn mong đợi mức lương bao nhiêu?
Trước khi phỏng vấn, ứng viên cần tìm hiểu kỹ về mức lương trung bình cho vị trí tương tự tại các công ty khác nhau tại các trang web tuyển dụng, các nhóm ngành nghề trên mạng xã hội hoặc hỏi ý kiến của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Đối với câu hỏi phỏng vấn về mức lương kỳ vọng, ứng viên nên đưa ra một khoảng lương hợp lý thay vì đưa ra con số chính xác để thể hiện sự linh hoạt và sẵn sàng đàm phán với nhà tuyển dụng để đạt được thỏa thuận chung. Bên cạnh đó, nêu rõ những kinh nghiệm, kỹ năng và thành tựu nổi bật khiến bạn trở thành một ứng viên có giá trị và xứng đáng với mức lương mong muốn.
Ví dụ: "Dựa trên kinh nghiệm [...] năm làm việc trong lĩnh vực [...], cùng với những kỹ năng chuyên môn [...], và những đóng góp mà tôi tin rằng mình có thể mang lại cho công ty, tôi mong đợi mức lương nằm trong khoảng từ [mức lương thấp] đến [mức lương cao]. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn mở lòng để thảo luận thêm về mức lương cụ thể dựa trên các yếu tố như trách nhiệm công việc và các phúc lợi đi kèm."
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng và trả lời tự tin các câu hỏi phỏng vấn là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của buổi phỏng vấn. Bằng cách làm chủ những kỹ năng này, ứng viên không chỉ tạo dựng một hình ảnh chuyên nghiệp, tự tin trong mắt nhà tuyển dụng mà còn tăng cơ hội được tuyển dụng và đàm phán được mức lương mong muốn.